nhoxtai Trial Staffs
Giới tính : Posts : 95 I-coin : 852 Thanked : 6 Ngày tham gia : 04/11/2011 Tuổi : 29 Đến từ : 104 nguyễn hữu thọ - bến lức - long an
| Tiêu đề: cụ ngoại và tôi Fri Nov 04, 2011 8:22 pm | |
| Tôi mới hai tuổi rưỡi. Đó không phải lý do để tôi không nhận biết mọi sự diễn ra chung quanh. Chuẩn là đằng khác.Ví dụ mỗi lần nghe tiếng chuông reo, tôi quyết liệt đòi cái điện thoại di động từ tay bà nội tôi.
- A nhô! Cháu chào chụ ạ. Chụ có họe hông ạ.
Là tôi hỏi thăm sức khỏe cụ ngoại tôi, người đang ở Đồ Sơn xa xôi lắm, nơi tôi cũng như cả nhà rất háo hức chờ đúng dịp khai trương mùa du lịch để xuống chơi thăm cụ vài ngày.
- Cu Dế không được ngậm cơm. Không cho xuống Đồ Sơn bây giờ!
Bà nội thường lấy chuyện đi thăm cụ ngoại để yêu sách tôi. Trong chiến thuật mới, tôi biết mình phải lùi một bước, nhượng bộ bà nội nhằm đạt được mục đích lớn hơn. Vậy nên tôi cố nuốt trôi miếng cơm sắp nhã ra trong miệng.
Tôi háo hức với chuyến đi còn vì một lẽ: tôi chưa hình dung cụ ngoại như thế nào. Tôi chỉ biết cụ đồng nghĩa với cái di động của bà nội. Mỗi khi chuông điện thoại bà nội đổ hồi, tôi áp máy vào tai, lắng nghe giọng cụ dịu dàng rất mực âu yếm hỏi han:
- Dế đấy ư? Dế ngoan quá. Dế của cụ ăn cơm chưa? Theo sự nhắc nhở bên ngoài của bà nội, tôi trả lời cụ: - Dế măm rồi chụ ạ. - Dế có hay quấy bà nội không? - Chuấy ạ. - Dế có bảo bà nội cho đi tè không? - Hông ạ. Chụ ơi chụ đừng tè ra bịm chụ nhé.
Tôi còn định dặn cụ nhiều việc như: không tè ra bỉm, muốn uống nước phải xin bà nội, trưa nằm ngủ phải nhắm mắt vào, không để con thạch sùng bò xuống đòi nằm cùng v.v... Ôi chà nhiều chuyện lắm, không nhớ hết được. Thế nhưng bà nội tôi đã cười phá lên khi nghe tiếng cười của cụ trong điện thoại. Quái lạ, cụ cười hay điện thoại bà nội cười? Tôi thắc mắc bảo bà nội:
- Bà nội ơi, chụ chười à?
Bà nội cười đến không trả lời được.
Đại để cụ đẻ ra bà nội tôi. Bà nội đẻ ra bố tôi. Tất nhiên đều chui từ nách ra như tôi. Với chức danh đứa chắt đầu của cụ, tôi thường xuyên được cụ cho quà, thăm hỏi. Nghe mẹ tôi kể rằng cụ đã tuyên bố:
- Nào, cả đời tôi được ai phong chức, phong quyền chưa? Nay cu Dế một nhát phong cho chức Cụ, oai hơn cóc, lại chả báu nó thì báu ai?
Bà nội với bố tôi hay kể chuyện cụ ngoại đón tôi từ nhà hộ sinh ra. Nhưng khi ấy tôi nào đã biết. Còn mẹ, mẹ thường chỉ lên những tấm ảnh lớn treo trên tường phòng khách bảo tôi:
- Cụ đây Dế này.
- Sợ... ợ.
Tôi sợ thật sự, thường nhắm tịt mắt quay đi. Là bởi trong những tấm ảnh ấy khi cụ là Bạch Cốt Tinh, mắt mũi long sòng sọc; khi cụ giơ cao thanh kiếm lấp lánh, với đủ mọi thứ mũ mão trong vai Phàn Lê Huê trông ghê chết được. Riêng cái ảnh treo dưới cùng, mẹ hay bế cho tôi sờ vào, trông cụ xinh đẹp một chút đúng như Thái hậu Dương Vân Nga. Rối tinh rối mù, tôi chẳng hiểu tại sao không cụ nào giống cụ nào. Tôi chỉ thích cụ-điện-thoại-di-động của bà nội thôi. Cụ-điện-thoại mới biết hỏi han tôi tỉ mỉ, giọng âu yếm mướt mát.
Bà nội kể với mẹ con tôi:
- Tiếc quá, mẹ con cu Dế không được đi xem cụ diễn trên sân khấu. Dạo ấy chưa có ai quay video, chứ không thì đã có bao nhiêu đĩa ghi để đến bây giờ làm kỷ niệm.
- Về Đồ Sơn chuyến này cả nhà vận động cụ lên đây ở với con cháu cho vui, mẹ ạ. Cụ cứ thui thủi một mình lỡ khi ốm đau thì sao? Cụ lên đây chơi cùng cu Dế, Dế ta chắc sướng quá.
- Bao nhiêu lần mẹ bàn với cụ rồi, nhưng cụ không chịu. Cụ nói ở dưới ấy yên tĩnh, cụ nghỉ ngơi thấy khỏe hơn. Nhưng đúng là mẹ lo lắm. Chỉ cần trái gió trở giời thôi cũng đủ khổ. Lấy ai miếng cháo hớp nước lúc ấy? Gọi được điện cho mẹ với dì Lụa từ Hà Nội về, cũng phải mất vài tiếng ô tô. Hôm nọ bà bạn của mẹ còn trẻ nhưng bị tai biến mạch máu não, không ai biết, thế là đi thôi. Sáng hôm sau con gái đến thăm, phá cửa vào, người đã lạnh ngắt.
- Vậy mẹ con mình chuyến này ráo riết vận động cụ, mẹ nhé!
Rồi mẹ tôi liền quay sang dạy tôi:
- Dế có nhiệm vụ phải nói cho hăng vào. Chụ ơi, chụ về Hà Nội ở với Dế, Dế yêu chụ lắm, Dế yêu chụ bằng giời. Chụ không theo Dế về Hà Nội, Dế hóc đây này!
Chả dặn tôi cũng biết mình có nhiệm vụ phải yêu cụ bằng giời. Người thiên hạ chỉ yêu bằng nắm tay thôi. Còn khoản khóc mẹ không cần dặn. Tôi thừa sức khóc cho mẹ phải ôm đầu mà chạy.
Rồi chuyến đi khao khát cũng tới. Gần mười giờ sáng gia đình tôi cùng gia đình bà trẻ Lụa xuống đến Đồ Sơn. Nhà cụ, một căn nhà có giàn cây leo đầy hoa tím, rủ xuống cổng sắt. Bố bế tôi trèo lên bậc chấn song để gọi cụ. Tôi sung sướng gào hết sức như bố giục:
- Chụ ơi, chụ mợ cộng cho Dế!
Bất ngờ một con chó vàng xuất hiện. Nó chồm ra cổng sủa dữ dội đến nỗi tôi sợ rúm người, nhào trở lại bấu chặt vai bố, hai chân co thúc giấu vào nách bố.
- Không sợ. Con chó nhà cụ chưa kịp làm quen thôi. Milu, đừng sủa nữa, anh Dế đây mà!
Chừng nghe tiếng quát quen thuộc của bố tôi, con chó vàng im bặt, sau đó vẫy tít cái đuôi ra ý mừng rỡ.
- Thấy chưa, em Milu mừng anh Dế đây này. Nhìn kìa!
Tôi chả thích anh em với đồ hung hăng ấy. Và tôi cương quyết giữ cảnh giác, cứ sục chân vào nách bố cho được an toàn.
Thoạt tiên một bà già lạ mặt rẽ những dây hoa đi ra. Mọi người đồng loạt reo hò vui vẻ. Tôi thấy bà già luống cuống vì mừng rỡ trong lúc mở cổng. Rồi mẹ tôi, rồi bà nội, bà trẻ Lụa, họ ôm lấy nhau tíu tít. Bố tôi vừa giục vừa vỗ vào mông tôi:
- Dế chào cụ đi nào. Mau không các cô chào hết phần Dế rồi kìa.
Hai cô con gái bà trẻ Lụa đều đã sà vào ôm bà già, toe toét đến buồn cười. Riêng tôi mím chặt môi lại. Hãy quan sát xem đã. Không bắt chước người lớn.
Là bởi tôi băn khoăn: chả lẽ lại thêm một cụ nữa? Chao ôi, tôi không thích cái lối vồ vập của cụ này. Vừa mới thấy tôi cụ đã ôm thật chặt, hít hà vào bụng, vào ngực, nhột không chịu được.
- Cha bố cu Dế! Lớn thế này cơ à? Ra cụ bế nào!
Tôi cương quyết giấu mặt vào vai bố tôi.
- Cho cụ bắt tay Dế vậy.
Mẹ cũng cuống quýt giục. Bà nội lại dọa:
- Dế không chào cụ là không ngoan. Không ngoan em Milu nó giận, nó sủa bây giờ. Nào, cháu chào cụ ạ! Đến nước ấy tôi đành phải quay ra chào cho xong chuyện, mặc dù không công nhận bà già đó là cụ tôi. May sao bà già rất thông cảm, tươi cười khen:
- Chao, Dế ngoan quá. Cụ chào Dế. Dế chưa quen nhỉ? Dế chưa nhận ra cụ nhỉ? Nhận ra cụ, Dế mới cho cụ bế chứ nhỉ?
Vâng, ít nhất tôi cũng được một lời thông cảm với mình. Làm sao có thể thân mật vô điều kiện? Một người chín chắn như tôi không dễ bị động đâu nhé!
Phải sau bữa ăn, khi cả nhà ngồi uống nước trong phòng khách, tôi mới công nhận đó đích thực cụ ngoại tôi. Do cụ có sáng kiến rút điện thoại di động ra gọi cho bà nội tôi. Nghe chuông đổ hồi tôi liền túm lấy cái di động của bà nội áp vào tai. Vẫn một giọng ấm áp vang lên trong đấy:
- Dế đấy à? Cụ đây. Dế có khỏe không?
A, tôi nhận ngay ra cụ-điện-thoại quen thuộc của tôi với cụ đang nói trước mặt chính là một người thôi. Chả còn nghi ngờ gì nữa. Có thế chứ! Từ lúc đó, tôi để cụ ngoại bế ẵm vuốt ve thoải mái.
Trưa ấy cụ được ưu tiên ngủ bên cạnh tôi. Mẹ một bên. Mẹ chưa đặt mình đã ngáy khò khò. Cụ nằm phía bên ngoài giường, nắm tay tôi cho đến lúc tôi nhắm mắt thiếp đi.
Nhưng do lạ phòng, không ngửi thấy cái mùi hoi hoi thân thiết, tôi bỗng choàng mắt tỉnh ngay. Ô hay, cụ đã đi đâu từ lúc nào tôi không biết thế?
Để mẹ không thức giấc, tôi len lén bò dậy, ngồi chơi với cái gối có hình con gấu vàng. Khi lật sấp để tìm thêm em gấu phía mặt kia gối, tôi phát hiện có những tờ giấy thơm thơm chi chít những chữ, giấu sau lần áo gối. Ai chà, vớ được đúng thứ tôi khoái nhất. Tôi chưa bao giờ bỏ qua một tờ giấy nào tình cờ rơi vào tay mình. Có lẽ kiếp trước tôi là người bàn giấy và ngấy công việc đến tận cổ nên kiếp này tôi dị ứng với giấy tờ chăng? Chả thế, mỗi lần được xé giấy, một nỗi vui thích khôn tả khiến tôi mê mải hàng giờ không chán. Bởi vậy ngay lập tức tôi lấy một tờ giấy của cụ ngoại xé nhỏ thành nhiều mảnh dài. Bực mình vì những dải giấy cứ xệch xạc, tôi lấy tờ thứ hai, cố gắng xé cho tốt hơn.
Bất ngờ mẹ vùng dậy, túm lấy tay tôi, giằng phắt tờ giấy, vẻ mặt hốt hoảng, giọng khê đặc:
- Chết rồi, xé cái gì đấy?
Tôi đề phòng những cái phát vào đít nên dịch vội lưng tới thành giường nhờ nó che chắn, miệng tủm tỉm cho mẹ ngó dễ thương.
Cũng là lúc bà nội với bà trẻ Lụa chợt bước vào. Bà nội còn hoảng hốt hơn cả mẹ.
- Giời ơi, hình như toàn thư của cụ ngoại đây này.
- Chết mất. Làm thế nào bây giờ? Con vừa chợp mắt bỗng nghe tiếng nó xé giấy xoàn xoạt.
Mẹ quay gương mặt nhăn nhó dễ sợ sang tôi, một gương mặt báo hiệu cơn lôi đình dữ dội. Mẹ rít lên khe khẽ: - Thằng Dế hư quá chừng. Chuyến này chết đòn!
Bà trẻ Lụa với bà nội chăm chú xem xét những mảnh giấy tôi xé, bỗng họ nhỏ giọng thì thào với nhau: - Hèn nào cụ không muốn lên Hà Nội nữa dì Lụa ạ.
- Ông này tên là Minh. Hay vẫn ông Minh hồi cụ còn ở đoàn cải lương Hoa Phượng ngày xưa? Chị có nhớ không nhỉ?
- Không biết. Tình cảm thắm thiết lắm. A, dì ơi, cụ bảo chiều nay có khách, chưa biết chừng là ông cụ này cũng nên.
- Để xem. Chị cất những mảnh xé của thằng Dế vào chỗ cũ đi.
May còn dăm tờ nguyên lành vẫn trong áo gối cụ. Tôi hiểu tình hình trở nên nghiêm trọng đây. Không hy vọng bà nội hay bà trẻ Lụa bênh vực trước kỷ luật sắt của mẹ. Phải tìm cụ ngoại cầu cứu mới được. Nghĩ thế tôi len lén chuồn ngay khỏi giường đi tìm cụ ngoại.
Chuyện chưa kịp phát giác thì nhà đã có khách. Tôi bị điệu ra trước mặt một ông cụ cao lớn, có bộ ria đốm bạc, đầu tóc tiêu muối, đặc biệt hai bên trán hói bóng. Đến nỗi khi con ruồi tìm chỗ đáp cánh, nó đã chọn cái sân bay đó. Nếu nó không bay sớm, chắc tôi đã đập hộ cụ ông con ruồi này.
- Cháu chào chụ ông ạ.
Cả nhà hân hoan cười nói. Qua câu chuyện tôi biết cụ ông chính là người bạn xưa của cụ ngoại tôi, người đã từng bế bà nội tôi thuở bé.
Ba giờ cả nhà rồng rắn ra bãi tắm. Vì vẫn nhớ cái tội xé giấy nên tôi buộc lòng phải chấp thuận ngồi yên trên ghế đá chơi cùng cụ ngoại, cụ ông, để mọi người xuống biển. Tức nhất hai cô con gái bà trẻ Lụa lại lêu lêu tôi không được nghịch nước. Cứ tưởng mình người lớn lắm đấy!
Tôi thần mặt nhìn theo mọi người xuống bãi cát rồi dầm mình vào sóng.
Để an ủi tôi, cụ ông bế tôi ngồi lòng, vừa bóc kẹo béo cho tôi ngậm. Tôi lắng nghe hai cụ thủ thỉ trò chuyện.
- Em à, nhân tiện hai con gái đều có mặt, em đồng ý cho anh tuyên bố chính thức chuyện chúng mình không?
- Từ từ đã. Để em dò ý các con trước đã.
- Anh không muốn chuyện chúng ta về sống với nhau lại làm các con bị bất ngờ.
- Vâng... Nhưng này, chả nhẽ cụ-đi-lấy-chồng à?
Ôi chao, tôi chóng cả mặt với cái câu cụ ngoại đi lấy chồng. Không, ngàn lần không! Cụ ngoại là của tôi chứ. Sao lại có chuyện chồng con ở đây?
- Thì cụ đi lấy chồng cũng có sao? Miễn hai chúng ta nương tựa nhau, được đôi bên gia đình thông cảm đàng hoàng, chứ bày vẽ xe hoa áo cưới gì mà ngại. Anh dự tính tháng chín trời mát, anh đưa em đi du lịch một chuyến dài ngày.
Gớm chửa, nói cứ như đúng rồi! Thế còn tôi? Không ai hỏi ý kiến tôi ư? Tôi định hét toáng lên một câu phản đối nhưng không nghĩ ra. Vả lại liếc nhìn cụ ngoại tôi thấy gương mặt cụ ngời ngợi hạnh phúc. Hơn thế các cụ bỗng tìm nắm lấy tay nhau sau lưng tôi mới hãi chứ!
Ôi tình yêu! Tôi hiểu rằng sẽ còn nhiều lôi thôi đây. Nghĩ không ra cách bày tỏ hết sự bất bình, tôi liền mắm môi kiên quyết... tè một bãi đúng vào hai ống quần cụ ông mà tôi đang ngồi lên trên cho bõ t ức. |
|